Dưới chân Tháp Bà là cầu Xóm Bóng như một đường thẳng nối hai bờ, xa xa là cầu Trần Phú với nét uốn cong mềm mại.
Nếu đi từ trong phố, qua cầu Trần Phú nhìn bên tay trái, Tháp Bà nhô lên, bí ẩn và trầm mặc như dựa vào bức tường thành núi Sạn. Qua khỏi cầu, rẽ đường bờ kè là đến Tháp Bà. Đi theo lối này có thể ngắm được trọn vẹn bức tranh hoàn mỹ của Nha Trang vùng cửa sông.
Theo nhiều tài liệu, tên gọi “Tháp Po Nagar” là cả cụm công trình kiến trúc này, nhưng thực ra đó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Đây là một quần thể tháp với lối kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm, được xây dựng và tu bổ qua nhiều thời kỳ (khoảng từ thế kỷ thứ VIII – XIII).
Theo đường dẫn lên tháp đầu tiên khách sẽ thấy một khu đất bằng phẳng khoảng hơn 200m2, có 10 trụ gạch lớn cao trên 5m xếp thành bốn hàng trên nền gạch rộng.
Đi tiếp nữa sẽ lên tới đỉnh là một nền đất rộng khoảng 500m2. Ở đây có bốn ngôi tháp, hai miếu thờ và một nhà nghỉ. Hai ngôi tháp lớn, một cao 18m, một cao 22,48m, được xây bằng gạch nung. Tháp lớn xây thành 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa giả, tượng thần và hình thú bằng đá.
Tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ xứ sở) bằng đá hoa cương, đặt trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn tạo hình lá đề. Tượng cao 260cm. Những đường nét trên tượng chắc, khoẻ, sống động. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.
Các tháp khác thờ: thần Shiva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo), thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Shiva). Bên cạnh tháp chính về phía nam khoảng 20m là một ngôi tháp khác nhỏ và ít trang trí điêu khắc hơn, cao chừng 12 mét. Cách tháp này cũng về hướng nam là một tháp nhỏ hơn. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có một linga (thạch trụ).
Lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Với người Nha Trang, Tháp Bà là một nơi linh thiêng, ngư dân thường đến đây cầu xin bình an trong mùa giông bão.
Đến Tháp Bà, ngoài việc tìm hiểu kiến trúc Chăm, thắp hương cầu xin Mẹ xứ sở ban cho sự bình an, khách còn có cơ hội thưởng thức những chương trình múa do đội múa dân tộc Chăm biểu diễn, những vũ điệu Chăm-pa tạo cho khách ấn tượng đẹp khi đến thăm nơi tôn kính nhưng không kém phần lãng mạn, thơ mộng này.
Ngoài ra còn một không gian nho nhỏ, góp phần làm phong phú thêm chương trình tham quan của du khách đó là những gian hàng trưng bày một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: tượng đất nung được làm từ đất sét bên bờ sông Cái, dệt thổ cẩm của người Chăm, tranh cát… Những tác phẩm nghệ thuật mang nét đẹp hồn quê của xứ trầm hươn