Dự định mãi mới sắp xếp được thời gian để đi Phượng Hoàng cổ trấn. Trấn cổ giữa tháng 12 đã vào chính đông, trời lạnh rất lạnh, thường xuyên khoảng 1 đến 2 độ. Khách du lịch không còn đông đúc náo nhiệt như mùa hè. Phượng Hoàng trở nên bình lặng, thâm trầm và an yên như nó vốn thế. Sáng sớm mùa đông, ngồi bên chiếc ghế nhỏ ven bờ Đà Giang uống cốc trà nóng, nhìn làn sương bảng lảng phủ trên mặt nước, cứ ngỡ thời gian như ngừng lại. 2 năm trở lại đây, Phượng Hoàng Cổ Trấn rất hot, nhưng đa phần là đi tour đường bộ. Ai xịn lắm thì đầu tư bay thẳng từ Hà Nội đến sân bay Trường Sa. Nhưng từ sân bay Trường Sa đến trấn Phượng Hoàng vẫn là mất 7 tiếng ngồi xe quá mệt mỏi. Rất may mắn, từ tháng 6/2018 đến bây giờ, Vietjetair đã mở đường bay riêng từ Nội Bài đến sân bay quốc tế Hoa Sen – Trương Gia Giới. Đây là đường bay mới, giúp hành trình đến Phượng Hoàng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Trước khi đi, dù là đi tour, mình cũng đã đọc 1 số review của mọi người. Nhưng trong quá trình trải nghiệm thực tế, mình thấy nhiều thứ đã thay đổi, dẫn đến một số đồ chuẩn bị không được hợp lý lắm. Nên mình viết bài này để chia sẻ những thứ cần lưu ý với các bạn đi sau, đặc biệt những bạn đi đường bay và đi kinh nghiệm du lịch Phượng Hoàng cổ trấn mùa đông, giúp các bạn không bị bỡ ngỡ và có những lựa chọn hợp lý nhất.
1/ ĐI TOUR HAY ĐI TỰ TÚC
- Nên đi tự túc nếu bạn biết tiếng Trung hoặc trong đoàn có người biết tiếng Trung. Còn không biết tiếng thì nên đi tour, đi tour, đi tour - vì ở Trung Quốc nói chung và khu vực Hồ Nam này nói riêng, đa phần chỉ nói tiếng Trung, hiếm lắm mới có người dùng được tiếng Anh. Google dịch hay các app dịch cũng không sử dụng được, vì mọi thứ người ta đều dùng chữ kí tự chứ không có phiên âm la tinh.
- Không biết tiếng cũng có thể đi được, nhưng vừa đi du lịch mà vừa phải mò mẫm, đến nơi lại chẳng đọc, chẳng hiểu được cái gì, không thể tham quan được nhiều nơi. Chưa kể những rủi ro trên đường khi bắt xe, nhầm tuyến, nhầm bến, nhỡ giờ thì quá là căng thẳng đầu óc và nguy hiểm.
- Đi tự túc giá sẽ cao hơn đi tour nhé. Nhưng bù lại đi tự túc thì ưu điểm là được ăn ở như ý mình muốn, thời gian tham quan các điểm do mình chủ động, không bị bắt ép đi các điểm mua sắm. Chứ đi tour, mỗi điểm bị giới hạn thời gian lắm, nhiều khi nói đùa với nhau là bị lùa như lùa vịt, cực kì khó chịu về cái này.
2/ NÊN ĐI THEO ĐƯỜNG NÀO
Hiện nay Phượng Hoàng cổ trấn đã có rất nhiều hình thức để đi.
- Tour đường bộ: cần ít nhất 6 ngày 5 đêm, giá rẻ nhất trong các lựa chọn. Di chuyển liên tục, bằng cả ô tô, tàu hỏa. Tour này đi tương đối vất vả, ngồi ê mông, đau lưng, tốn thời gian và cho đi các điểm mua sắm bắt buộc nhiều, thời gian ở các điểm tham quan ít.
- Tour đường bộ hiện nay nhiều công ty du lịch mời giá rất rẻ, chỉ khoảng 6tr cũng có. Nhưng mọi người không nên đi tour rẻ quá, vì thực sự là tiền nào của đó. Công ty du lịch giá nào họ cũng làm được hết, tour rẻ chất lượng cũng tương đương. Xe ô tô cũ, ăn không ngon, ở khách sạn xa trung tâm, thậm chí chỉ là nhà nghỉ, cắt nhiều điểm du lịch. Nhiều điểm tham quan chỉ chở đến, tiền vé vào cửa lại thu riêng, rồi tính ra tưởng tiết kiệm nhưng lại thành đắt. Nói chung nên đi tour của các công ty du lịch có uy tín nhé, đừng mua tour rẻ quá.
- Tour đường bay nội địa: Giá rẻ thứ 2 trong các lựa chọn. Vẫn là di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội sang đến Nam Ninh – Trung Quốc. ( Thời gian của quãng đường này là từ 5h30 sáng đến 7h tối mới tới sân bay quốc tế Ngô Vu - Nam Ninh). Từ Nam Ninh sẽ bay đến sân bay Phượng Hoàng.
- Tour đường bay quốc tế: đắt nhất. Bay quốc tế cũng có 2 đường, hoặc bay Hà Nội - Trường Sa, hoặc bay Hà Nội – Trương Gia Giới. Nói chung bay đường nào tùy tour, nhưng khuyến khích các bạn chọn loại tour này. Có đắt 1 chút nhưng đỡ mệt hơn các tour kia về sức khỏe, đỡ tốn thời gian di chuyển đi lại.
- Khi mua tour, các bạn nên chọn loại tour có đi đủ các điểm sau và có giá vé vào cửa đã bao gồm trong tour:
+ Thiên Môn Sơn: có kèm vé vào cổng và vé cáp treo.
+ Phù Dung Trấn – Trương Gia Giới – có vé vào tham quan Thổ Gia.
+ Phượng Hoàng Cổ Trấn – Có vé đi sông Đà Giang, được ở Phượng Hoàng ít nhất 1 đêm, 2 đêm thì càng tốt, có cho thời gian đi tự do. Vì phải có thời gian tự do đi chơi thì mới tham quan được hết các ngóc ngách của Phượng Hoàng, mới thấy cuộc sống của người dân, mới trải nghiệm được các món ăn nơi đây, có thời gian ngồi quán café ngắm sông, thêm nữa lúc vắng người chụp ảnh mới đẹp.
+ Miêu Trại - Đồng Nhân: có vé vào Miêu Vương Thành.
+ Có đi Hồ Bảo Phong, kèm vé du thuyền.
+ Có đi Viên Gia Giới, nơi có đỉnh Avatar, thang máy cao nhất thế giới Bạch Long và thiên hạ đệ nhất kiều. Riêng khu vực Viên Gia Giới, các tour phổ thông là không có nhé, chỉ có những tour VIP đặc biệt hoặc đi tự túc mới có.
Mua tour nhớ đọc kĩ hợp đồng nhé, trong đó sẽ ghi rõ giá tour bao gồm gì và không bao gồm gì.
- Các bạn đi tự túc nên xếp lịch trình có đi Viên Gia Giới và Hoàng Thạch Trại vì đều ở khu Vũ Lăng Nguyên.
- Nếu mua tour đường bộ, chọn 6 ngày 5 đêm trở lên. Nếu mua tour bay quốc tế, chọn 5 ngày 4 đêm trở lên. Nếu số ngày ngắn hơn tức là bị cắt điểm tham quan, sau này không đi nữa thì thiếu, mà đi lại thì ngại. Dạo gần đây nhiều bên bán tour đường bay quốc tế 4 ngày 3 đêm giá rất rẻ, nhưng mình khuyên mọi người không nên chọn tour này. Vì rẻ nên được đi ít với thời gian gấp gáp lắm.
- Bạn nào không thích đi các điểm mua sắm bắt buộc, có thể chọn loại tour bay thẳng không shopping. Tour này bay hãng hàng không chất lượng cao, tất nhiên giá đắt hơn vì không được trợ giá từ các nơi mua sắm.
- Dù chọn hình thức nào thì đi Phượng Hoàng Cổ Trấn cũng là 1 hành trình tương đối mệt, di chuyển liên tục, mỗi đêm ở 1 thành phố, đi bộ nhiều lắm lắm, nên những người sức khỏe yếu, say xe, người già, trẻ em nhỏ, phụ nữ có thai, team thích nghỉ dưỡng, thực sự đi sẽ cảm thấy rất vất vả.
3/ THỜI GIAN ĐI
- Không nên đi vào những đợt lễ tết của Trung Quốc vì sẽ đông khủng khiếp. Mùa hè tránh tháng 7, tháng 8 vì là tháng nghỉ hè của TQ. Mùa hè thì nóng chảy mỡ chảy nước, nắng chói chang, 38 đến 40 độ. Bạn mình đi vào đúng đợt hè, lại cuối tuần, xếp hàng từ chỗ mua vé đến lúc qua được cửa thường xuyên là 2 đến 3 tiếng, chùn chân luôn. Tối thứ 7 mùa hè ở PHCT thì người đông như nêm và tắc cả đường đi bộ. Đi mùa hè cũng đắt hơn mùa đông.
- Mùa đông thì lạnh lắm là lạnh. Mình đi giữa tháng 12 dương lịch mà hôm nào ấm lắm khoảng 3 độ. Còn thường xuyên là -1 độ, -2 độ, trên đỉnh Thiên Môn Sơn –7 độ, có tuyết. Đi mùa đông thì ưu điểm là vắng hơn, ngắm cảnh, chụp ảnh thoải mái. Các điểm tham quan không phải xếp hàng chờ đợi lâu. Cũng lạnh nhưng không đến mức không thể chịu được. Nhưng nhược điểm lại dễ bị dính mưa. Lạnh thì chịu được chứ mưa thì chán lắm. May đợt mình đi thời tiết cực đẹp, lạnh nhưng vẫn có nắng, không mưa ngày nào. Và đi mùa đông thì rẻ hơn mùa hè.
- Các công ty du lịch rất hay mời chào kiểu như:” Đến Phượng Hoàng Cổ Trấn ngắm tuyết mùa đông”. Không có các bạn nhé. Phượng Hoàng nhiệt độ thường khoảng 1 đến 3 độ. Hiếm khi có tuyết lắm. May mắn lắm thì có tuyết trên đỉnh Thiên Môn Sơn thôi. Nhưng ở Thiên Môn Sơn, nếu có tuyết thì thường lại bị đóng cửa cổng trời, sạn đạo kính và con đường với 99 khúc cua vì không an toàn. Nên là đi mùa đông thì nhiều ưu điểm nhưng cũng hên xui nhiều.
4. THẺ THANH TOÁN QUỐC TẾ
ở đây chỉ như miếng bìa cứng vô dụng, nên mọi người cần chuẩn bị dư tiền mặt 1 chút. Thừa thì về đổi lại bị trừ ít thôi. Đổi tiền từ nhà sẽ rẻ hơn sang đó. Nếu đi tour có thể đổi tiền ít, mang phòng theo đô Mỹ rồi đổi cho hướng dẫn.
5. ĂN UỐNG
- Trước khi mình đi, nhiều bài nói đồ ăn siêu cay không thể ăn được làm mình rất lo vì không ăn được cay. Nhưng các bạn không ăn được cay có thể yên tâm, nếu đi tour, người ta sẽ đặt nhà hàng làm theo khẩu vị của người Việt Nam, rất ít cay.
- Các bữa ăn thì cũng đầy đủ rau, thịt, cá, món xào, canh. Nhưng cái gì bên đó cũng cho ngập dầu mỡ. Vừa ngấy vừa khó ăn lắm. Nên ai khó tính trong ăn uống, có thể chủ động mang theo ruốc, thịt hộp, giò, chả ăn thêm.
- Bữa sáng cũng là buffet nhưng về cơ bản là không ngon, kể cả 1 bữa trong khách sạn 5* cũng không ngon. Hoặc do mình khó ăn. Nhưng mọi người có thể bỏ qua bữa sáng trong khách sạn, ra ngoài thưởng thức ẩm thực địa phương. Đồ ăn sáng thường là bún, mì các loại, mì tươi cũng dễ ăn lắm. Khoảng 10 đến 20 tệ/1 bát ( 35k đến 70K).
- Nếu tự đi khám phá món ăn ở các nhà hàng, đồ sẽ là cay khủng khiếp, nhớ nhắc chủ quán là :” Không cay” ( Tiếng Trung bồi là: Pú La). Không cay tức là cay vừa, còn không nói gì sẽ là cực cay. Cay đến mức mình vẫn ví các món bên đó là lẩu ớt, ớt xào ớt, cháo ớt, canh chua ớt, ớt rang, ớt hầm….
- Nhiều bạn đi trước có nói các loại đồ ăn từ thịt không được mang qua hải quan. Nhưng đó hoặc là đi đường bộ, hoặc ngày xưa khác. Bây giờ, cụ thể đoàn mình, mọi người đều mang ruốc, thịt hộp, giò chả, nước mắm, rượu để trong hành lý ký gửi thì không vấn đề gì cả nhé.
6. KHÁCH SẠN
Cũng nhiều bạn nói bên đó, ở các khách sạn không có đồ dùng vệ sinh cá nhân, hoặc dùng sẽ phải trả tiền. Nhưng đó có lẽ là tùy chất lượng tour thôi. Mình ở 4 khách sạn, 3 khách sạn 4* và 1 khách sạn 5*, thì chỉ duy nhất có khách sạn 4* ở Phượng Hoàng Cổ Trấn là không có bàn chải và kem đánh răng ( vẫn có khăn mặt, khăn tắm, dầu gội, sữa tắm, máy sấy), 3 khách sạn còn lại đều có đầy đủ tất cả mọi thứ. Khách sạn mình ở Phượng Hoàng rất ổn, sang đường là bờ sông Đà Giang luôn. Nhưng 5h chiều mới có nóng lạnh, 6h chiều mới bật điều hòa ấm đến 9h sáng sau sẽ ngắt. Giá 273 tệ/1 đêm. Bạn nào đi tự túc muốn tìm khách sạn ở đây mình sẽ gửi thông tin cho các bạn.
7. VỆ SINH
Các WC công cộng hầu như không có giấy vệ sinh, toàn bộ là xí xổm, các nhà hàng cũng ít dùng giấy ăn, nên dù sao cũng nên tự chuẩn bị ít giấy ăn khô, ướt phục vụ nhu cầu tối thiểu.
8. QUẦN ÁO: đàn ông thì dễ rồi, mặc sao cũng được. Phụ nữ thích chụp ảnh nên chọn các tông màu đỏ, trắng, xanh lá, vàng, nâu sáng lên ảnh sẽ rất nổi và đẹp.
- Các bạn nữ đến Phượng Hoàng có thể mua những bộ váy, áo và giầy đặc trưng của vùng đất này để chụp ảnh rất đẹp, giá cũng rẻ lắm. Áo khoác lót bông, dáng dài, màu sắc đẹp khoảng từ 70 đến 120 tệ. Giầy thêu hoa từ 30 đến 50 tệ.
- Trời có tuyết và âm độ, ngoài đảm bảo đầy đủ mũ, khăn, găng tay, tất, quần áo nhiều lớp và ấm, các bạn có thể dùng miếng dán giữ nhiệt của Nhật để đảm bảo sức khỏe. Dán bên ngoài lớp áo giữ nhiệt, lạnh quá thì dán cả đằng trước bụng, ngực và sau lưng. Mỗi miếng giữ ấm được khoảng 4 tiếng.
9. TIỀN
Ngoài tiền tour như đã mua, các bạn sẽ mất thêm các khoản sau. Mình ghi cái này để mọi người chuẩn bị sẵn, vì nhiều người không nghĩ đã đi tour trọn gói mà sao vẫn phải mang theo kha khá tiền như thế. Tất nhiên trừ tiền tip thì các khoản khác là tùy nhu cầu, nhưng đã đi thì đa phần mọi người sẽ tiêu các khoản như dưới đây:
- Tiền tip cho lái xe và hướng dẫn: 5 đô Mỹ/1 ngày ( bắt buộc). Có thể trả bằng đô Mỹ, tiền tệ, tiền Việt với tỉ giá tương đương.
- Vé xem show Rạng Rỡ Tương Tây: 350 tệ. Show này tự mua tại cửa sẽ rẻ hơn mua của hướng dẫn khoảng 100 tệ/1 vé tùy hạng ghế A – B hay C. Nhưng mua của hướng dẫn sẽ có xe đưa đón, có vé sẵn, nếu không quá đông có thể được đi bằng cửa riêng vé đoàn chứ không phải xếp hàng. Nên tùy mọi người chọn. Đi tự túc thì các bạn bắt taxi hoặc đi bộ đến cũng được, vì cái sân khấu này nó nằm ngay trung tâm tiện đi lại lắm. Mình ghi giá để các bạn đi tự túc tham khảo: Hạng A: 308 tệ - Hạng B: 268 tệ - Hạng C: 228 tệ. Khán phòng nhỏ nên các bạn cũng không cần lăn tăn về hạng đâu, kể cả ngồi trên gác vẫn xem rõ. 1 tiếng xem kiểu tạp kĩ trong nhà và 30 phút diễn khí công ngoài trời nếu không mưa. Nếu hỏi show này hay không, mình phải nói thật là cũng bình thường. Nhưng có nên đi không thì mình khuyên là vẫn nên đi. Vì buổi tối ở đó cũng không có gì hấp dẫn lắm, đi cho biết.
- Vé đi cầu kính dài nhất thế giới Thiên Vân Độ: 350 tệ. Cái cầu kính này cũng không có gì đặc biệt, không sợ đâu dù mình cũng là người sợ độ cao. Các clip trên mạng mà thấy mọi người run rẩy đi trên đó, rồi khóc lóc nọ kia chắc là để PR thôi. Nhưng thôi đến đó thì cũng nên đi cho biết nhé. Cầu kính này nếu mua vé tại cổng cũng rẻ hơn nhiều so với mua qua hướng dẫn. Nhưng cầu kính này thì nên đi qua hướng dẫn viên vì đường xa, khoảng 40 phút ô tô mới đến nơi. Nếu mệt mà phải đi thang máy ở Thiên Môn Sơn thì thêm 40 tệ/1 vé.( Hoặc leo 999 bậc đá thì free)
- Tết tóc ở Phượng Hoàng: 10 tệ 6 line, mặc cả có thể là 1 tệ/1 line. Thuê đồ dân tộc, tính bộ hoặc tính thời gian. Giá họ nói 10 tệ/1 bộ. Mặc cả còn 5 tệ/1 bộ. Hoặc 10 tệ nếu là bộ đẹp với các đồ phụ kiện lộng lẫy hơn.
- Bạn nào không có máy ảnh cơ mà muốn chụp ảnh đẹp thì ở PHCT rất sẵn, nhớ mặc cả nhé, khoảng 5 – 10 tệ/ 1c. Nhưng thợ ảnh cũng làm trò lắm, 5 tệ/1 tấm, nhưng 2 người chụp họ tự động rửa 2 cái thành ra 1 ảnh mất 10 tệ. Mọi người cẩn thận vụ ảnh nhé.
- Trong trấn, thỉnh thoảng sẽ thấy ông Cương Thi hoặc Ngộ Không đứng đó, mình mà muốn chụp ảnh cùng cũng mất 10 tệ chứ không miễn phí. Cái này nhiều người bị hớ vì tưởng free nên ra sức chụp.
- Ăn vặt ở Phượng Hoàng rất nhiều loại, nếu không sợ gặp anh Tào thì 5 đến 10 tệ/1 xiên. Mọi người hay ăn nhất là bánh tép chiên, cua tẩm bột chiên, đậu phụ thối, bún qua cầu.
- Tiền café, dù là chẳng uống café nhưng đến PHCT nhất định nên vào 1 quán café ven sông, gọi 1 cốc nước và ngắm cảnh, tận hưởng cái cảm giác như thời gian ngừng lại. Cứ khoảng 35 đến 50 tệ/1 món đồ uống.
- Bia khoảng 200 tệ được 1 combo kèm đồ ăn nhẹ, coktail khoảng 60 tệ trong các bar xanh đỏ dọc cổ trấn.
- Tiền vé thuyền dọc dòng Đà Giang nếu trong tour không bao gồm, thuyền của dân 30 đến 40 tệ/1 người/1 lượt tùy mặc cả. Thuyền nhà nước thì bao gồm luôn trong combo vé tham quan viện bảo tàng như viết bên dưới.
- Tiền vé thăm quan viện bảo tàng Cổ Thành, lầu Phong Thủy Hồng Kiều ( có tour đã bao gồm) : 148 tệ.
- Tiền vé thăm quan cuộc sống người Thổ Gia ( có tour đã bao gồm): 135 tệ.
- Tiền mua sim 4G: rẻ nhất 80 tệ.
- Hoa quả mùa hè rất nhiều và tươi ngon, nhưng mùa đông không có gì mấy đâu, toàn chuối, quýt, bưởi. Vào siêu thị thì nhiều loại hơn nhưng tương đối đắt, 35k/1 quả măng cụt.
- Dịch vụ ngâm chân thuốc bắc và matxa vì đi nhiều mỏi nên nhiều người chọn. ( cũng có tour đã bao gồm). 100 tệ/1 lượt.
- Mua quà mang về thì tùy nhu cầu: thịt khô các loại, kẹo hướng dương, lạp sườn, táo đỏ, kem trị bỏng….
Phụ nữ nên mang nhiều tiền hơn nam giới do dễ bị hấp dẫn bởi các dịch vụ phục vụ việc chụp ảnh sống ảo.
Viết xong ngước lên thì nhiều gạch đầu dòng nhỉ. Nhưng sự thật là các khoản này sẽ phải chi ngoài giá tour. Nên các bạn đừng tin những bài review kiểu như cầm 6tr đi khắp PHCT nhé, không có đâu.
10. Muốn có ảnh đẹp, chịu khó dậy sớm chụp khi còn vắng người hoặc chụp buổi trưa lúc 1h. Còn lại giờ hành chính thì một mét vuông năm chục người chụp, như ảnh tập thể, cảnh đẹp mấy, người đẹp mấy thì ảnh cũng khó mà đẹp được.
11. Ở đây khi mua hàng hoặc thỏa thuận các dịch vụ thì nhớ mặc cả nhiều nhé, cứ trả nửa giá là vừa, kể cả các điểm shopping bắt buộc cũng nói thách gấp đôi.
12. 1kg ở đây chỉ bằng nửa cân của mình thôi, là 1kg=500gram của mình, để mọi người đừng thắc mắc hoặc chửi nó là cân điêu cân thiếu cho mình nhé.
13. Muốn vào fb, instagram, google phải tải app VPN master rồi kích hoạt sẵn từ nhà. Zalo, các trang báo tin tức của Việt Nam dùng bình thường không phải tải app. Wifi khắp nơi nhưng sóng tùy lúc mạnh lúc yếu. Các khách sạn thì sóng khỏe chạy vèo vèo. Nếu nhu cầu dùng mạng cao, phải mua sim 4g của hướng dẫn viên nhưng dung lượng hết nhanh. Các điểm wifi bị khóa cứ thử pass là 88888888 vì người Trung Quốc ngoài màu đỏ thì rất thích con số 8.
- Nếu đi đông nhóm khoảng 5 người, muốn dùng mạng liên tục và ổn định thì thuê cục phát wifi từ Việt Nam mang đi. Xuống sân bay bật thiết bị là có mạng ngay. Giá từ 120k – 180k/1 ngày cho khu vực châu Á, tùy gói dung lượng sử dụng. 1 cục này có thể phát cho 5 thiết bị, nên nếu đi đông thuê cục phát là hợp lý nhất.
- Hoặc có thể mua sim 4G quốc tế từ Việt Nam. Giá 250k cho sim dung lượng 1GB/7 ngày dùng. 400k dung lượng 4gb/ 8 ngày dùng. Nhà mình mua sim 4gb mà ngày về vẫn còn thừa 1gb.
14. Trung Quốc rất nhiều tiền giả, nên mọi người nhận tiền trả lại kiểm tra tiền cẩn thận nhé. Tờ nào trơn tuột, nhìn dại dại thì cứ yêu cầu người ta đổi lại cho chắc.
15. Ngoài những lúc đi theo tour, sẽ có nhiều lúc mình tự đi chơi, đi mua sắm. Nên mình có nhờ bạn bè biết tiếng Trung ghi cho phiên âm của mấy từ cơ bản, có gì còn xì xồ cấp cứu. Ví dụ đang đi bộ mà muốn hỏi WC ở đâu cũng chịu chết, bên đó họ nhất định không thèm nghe 1 từ tiếng Anh nào cả. Chả biết phiên âm này đúng hay sai, cũng không cần câu cú gì đâu, mình cứ nói từ thôi là họ hiểu. Nghe thì buồn cười nhưng rất hữu dụng.
- Xin chào: Ní hảo.
- Cảm ơn: Xiê Xiề
- Tạm biệt: Chai chien
- Nhà vệ sinh: Xí xầu chiên.
- Xin lỗi: Tuây pu chỉ.
- Không cay: Pú la ( cái này để ăn gì bảo nó đừng cho ớt vì mình không ăn được cay. Nếu không nói thì mặc định là mọi thứ trên đời sẽ được tẩm hàng cân ớt)
- Trả lại tiền thừa: Khoán quấy ủa ( từ này để khi người ta quên trả lại, hay phải dùng phết)
- Tôi là người Việt Nam: ủa sư duê nán rấn.
- Bạn biết nói tiếng Anh không?: nỉ huây suô inh ủy ma ( cái này cũng hay dùng, nhưng thường thì sẽ nhận được cái lắc đầu, vì tiếng Trung cũng sắp thành quốc tế ngữ đến nơi, nên dân Trung nó không thèm học tiếng Anh đâu.)
- Cái này bao nhiêu tiền?: chưa gưa tuô sảo chién?
- Đắt quá: na mờ quây.
- Rẻ một chút: phién y y tiẻn.
- Lẩu cá nồi đá: Sứ cua dúy khủa cua (Đây là món đặc sản của PHCT. Hôm nào chán cơm đoàn có thể ra ngoài quán ăn món này. 70 tệ/1 nồi. Không ăn cay nhớ nhắc người ta là: “Pú La”)
- Số đếm từ 0 đến 10: lính - I - ơ - san – si - ủ - lỉu – qi – bã - kỉu – shí.
- Ơshí: 20 – sanshí: 30 – sishí: 40: số đếm ghép với shí thành số hàng chục.
- số lẻ: số hàng chục ghép với số đếm: 12: shíơ – 46: sishílỉu.
- Khi mặc cả cứ dùng máy tính điện thoại mà bấm, người ta hiểu hết.
16. Nếu đi mùa đông trời lạnh muốn đông cứng, ăn uống ở đây lại không ngon khó ăn dễ rối loạn tiêu hóa. Hiệu thuốc không có sẵn đâu, nên mọi người phải chuẩn bị sẵn thuốc, ít nhất là men tiêu hóa, thuốc đi ngoài. Nếu sợ lạnh nên mua thêm miếng dán giữ nhiệt. Sang đó mua cũng có nhưng đắt, 35k/1 miếng.
17. Dù mùa hè hay mùa đông thì thời tiết ở đây cũng thay đổi rất thất thường. Nên bạn hãy mang theo 1 cái ô gấp nhỏ tránh bị nắng hoặc bị ướt.
18. Pin dự phòng mang theo phải để trong hành lý xách tay, không được để trong hành lý ký gửi, dung lượng không quá 20.000 mAh, tên và các thông số của pin phải rõ ràng, không bị mờ.
19. Bật lửa khi đi sẽ qua được nhưng khi về sẽ bị thu, nên bác nào hút thuốc nhớ mang loại bật lửa rẻ tiền nếu mất đỡ xót.
20. Nếu đi mùa đông, các bạn nên mang theo 1 bình giữ nhiệt nhỏ. Sáng trước khi ra khỏi khách sạn, đổ lavie vào siêu tốc đun 1 bình mang theo uống cả ngày. Vì mùa đông lạnh lắm, toàn âm độ, không uống thì khát mà uống nước lạnh thì thật kinh khủng.
Hãy cùng PHUONGHOANGTOUR săn tuyết mùa đông cùng tour Phượng Hoàng cổ trấn Trương Gia Giới
- Khởi hành: Thứ 7 hàng tuần - Giá: 7.490.000 vnđ/Người
- Khởi hành: 6,7/2 (M2,M3 Tết) - Giá: 9.900.000 vnđ/Người
- Khởi hành: Thứ 2 hàng tuần
- Khởi hành: 14/1 - Giá: 9.990.000 vnđ/Người
- Khởi hành: 11/2 (M7 Tết) - Giá: 11.490.000 vnđ/Người ; 18/2 - 11.490.000 vnđ/Người
- Khởi hành: Thứ 6 hàng tuần
- Khởi hành: 15,22/2 - Giá: 10,690,000 vnđ/Người
HOTLINE: 0975 699 988 / 024 3533 5388